Văn phòng luật sư Sài Gòn Trẻ tiếp tục dẫn bài đăng của TS. Phan Thị Lan Hương- Giảng viên ĐH Luật liên quan tới hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng ở một số quốc gia.
”
Pháp luật của Phillippines về xử lý QRTD
Luật An toàn ở không gian công cộng của Phillipinnes 2018 đã có những quy định cụ thể về các hành vi QRTD ở không gian công cộng thông qua việc quy định cụ thể một số nội dung sau:
Thứ nhất, Luật đã xác định không gian công cộng là đường phố, ngõ nhỏ, công viên, trường học, tòa nhà, trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, nhà ga giao thông, chợ công cộng, không gian được sử dụng làm trung tâm sơ tán, các cơ quan của nhà nước, các, phương tiện giao thông công cộng cũng như phương tiện cá nhân sử dụng ứng dụng công nghệ giao thông; các không gian giải trí khác như ở các rạp chiếu phim, nhà hát và spa; và những địa điểm khác (Phần 3.g)[1].
Thứ hai, Luật đã có những quy định cụ thể về các hành vi QRTD đó là: (1) “Catcalling” là những nhận xét không mong muốn hướng tới một người, thường được thực hiện dưới hình thức huýt sáo và nói xấu, xuyên tạc, đồng bóng, và phân biệt giới tính (Phần 3. a); (2) Rình rập/đeo bám là hành vi nhắm vào một người bằng cách nhìn hoặc những đụng chạm về thể xác, hoặc những giao tiếp không có sự đồng thuận, hoặc là sự tổng hợp các hành vi trên mà làm cho hoặc có thể làm cho một người lo sợ về sự an toàn của chính mình hoặc sự an toàn của người khác hoặc bị những áp lực về cảm xúc (Phần 3.h)[2]. Đặc biệt Điều 1 của Luật quy định rất rõ những hành vi QRTD dựa trên cơ sở giới ở trên đường phố và không gian công cộng là những hành vi phạm tội được thực hiện thông qua bất kỳ các hành vi có tính chất gợi dục không mong muốn hoặc không được đồng ý hoặc những cử chỉ đối với bất kỳ người nào mà không cần xác định rõ động cơ của các hành động hay cử chỉ đó. Điểm đáng chú ý là Luật này cũng đã mở rộng phạm vi không gian công cộng trên môi trường mạng, bao gồm các hành vi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tấn công và đe dọa nạn nhân thông qua các mối đe dọa về thể chất, tâm lý và cảm xúc, nhận xét sai lệch về tình dục, chuyển giới, đồng tính và phân biệt giới tính, xâm phạm quyền riêng tư của nạn nhân thông qua tấn công mạng và nhắn tin liên tục, tải lên và chia sẻ mà không có sự đồng ý của nạn nhân, bất kỳ hình thức truyền thông nào có chứa đựng các hình ảnh, giọng nói hoặc video có nội dung khiêu dâm, bất kỳ ghi âm và chia sẻ trái phép hình ảnh, video nào của nạn nhân hoặc bất kỳ thông tin trực tuyến nào, mạo danh danh tính của nạn nhân trực tuyến hoặc đăng những lời nói dối về nạn nhân để làm tổn hại danh tiếng của họ hoặc nộp báo cáo bị lạm dụng không chính xác cho các nền tảng trực tuyến để nạn nhân không dám lên tiếng (Điều 2, khoản 12)[3].
Thứ ba, Luật này quy định chi tiết về trách nhiệm của những người có liên quan như chủ nhà hàng, quán bar, trung tâm thương mại… có trách nhiệm ban hành các chính sách không khoan nhượng đối với các hành vi QRTD. Người có trách nhiệm quản lý những nơi công cộng này phải có nghĩa vụ cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân bị QRTD bằng cách phối hợp với công an ngay sau khi nhận được trình báo về hành vi QRTD, bảo đảm cung cấp các bằng chứng cho cơ quan tòa án, và cung cấp địa điểm có nhạy cảm giới để khuyến khích nạn nhân trình báo ban đầu về vụ việc QRTD. Chủ nhà hàng hoặc người quản lý các địa điểm công cộng nêu trên phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cảnh báo rõ ràng chống lại quấy rối tình dục ở công cộng, như số đường dây nóng chống quấy rối tình dục bằng chữ in đậm và phân công ít nhất một nhân viên chống quấy rối tình dục để nhận những trình báo/thông tin về các vụ QRTD. Nhân viên bảo vệ ở những nơi này có thể được giao phó để bắt giữ thủ phạm trong vụ việc QRTD và phải phối hợp ngay với chính quyền địa phương (Điều 5)[4].
Thứ tư, Luật này cũng đã quy định cụ thể về các biện pháp chế tài áp dụng đối với các hành vi QRTD tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi. Ví dụ như đối với người thực hiện lần đầu các hành vi như catcalling, huýt sáo, những lời mời không mong muốn, những lời nói xấu, xuyên tạc, đồng bóng và phân biệt giới tính, những bình luận hay cử chỉ về ngoại hình của một người… sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền 1.000 pesos và phải tham gia khóa học 12 giờ về giáo dục nhạy cảm giới được thực hiện bởi công an trên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và hội phụ nữ của Phillipines. Đối với hành vi vi phạm lần thứ hai có thể bị áp dụng biên pháp phạt giam giữ (arresto menor) từ 6 đến 10 ngày hoặc bị phạt 3.000 pesos. Đối với trường hợp vi phạm lần thứ ba sẽ bị áp dụng biện pháp phạt giam giữ từ 11 đến 30 ngày hoặc bị phạt tiền 10.000 pesos. (Điều 1. khoản 11 (a). Đối với những hành vi như thực hiện các cử chỉ hoặc phô bày những bộ phận của cơ thể để thỏa mãn tình dục của thủ phạm hoặc với mục đích quấy rối, đe dọa nạn nhân để làm lộ những bộ phận riêng tư, thủ dâm công khai, mò mẫm và hành động tình dục tương tự thì sẽ bị phạt 10.000 pesos và phải tham gia khóa học 12 giờ về giáo dục nhạy cảm giới được thực hiện bởi công an trên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương và hội phụ nữ của Phillipines. Đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai thì sẽ bị phạt giam giữ từ 11 đến 30 ngày hoặc bị phạt tiền 15.000 pesos. Đối với trường hợp vi phạm lần thứ ba sẽ bị phạt giam giữ ít nhất từ 1 tháng 1 ngày đến 6 tháng và phạt tiền 20.000 pesos.
Thứ năm, Luật này cũng đã quy định cụ thể về bảo vệ quyền của nạn nhân bị QRTD, như quy định về bảo mật: Ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình điều tra, truy tố và xét xử một tội phạm theo Đạo luật này, các quyền của nạn nhân và bị cáo là trẻ vị thành niên sẽ được công nhận (Điều 6, khoản 26); Biện pháp bảo vệ nạn nhân: nếu thấy cần thiết, ngay cả trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, Tòa án có thể ra quyết định yêu cầu thủ phạm tránh xa người bị QRTD ở một khoảng cách do tòa án chỉ định, hoặc tránh xa nơi cư trú, trường học, nơi làm việc, hoặc bất kỳ địa điểm cụ thể mà người bị QRTD thường xuyên lui tới (Điều 6, khoản 27); Biện pháp khắc phục hậu quả và tư vấn tâm lý cho nạn nhân (Điều 6, khoản 28)[5].
Pháp luật của Nhật Bản về xử lý QRTD
Luật về Cơ hội việc làm bình đẳng của Nhật Bản có hiệu lực ngày 1/4/1989 và được sửa đổi năm 1997 đã có quy định về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động phải xây dựng môi trường làm việc không có QRTD. Luật này đã đưa ra định nghĩa về QRTD như sau: “là trường hợp mà lao động nữ gặp bất lợi tại nơi làm việc”. QRTD ở nơi làm việc thường thể hiện ở dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng thông thường được chia thành hai nhóm, bao gồm: (1) đưa ra các đề nghị, hứa hẹn tăng lương hoặc thăng chức để đổi lấy quan hệ tình dục; (2) QRTD được xác định phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của từng phụ nữ, rất khó để xác định liệu lời nói hoặc hành vi có gây ra quấy rối tình dục hay không. Nếu như nam giới tiếp tục có thái độ, lời nói cử chỉ có tính chất gợi dục sau khi đã có sự phản ứng từ phía phụ nữ thì trong trường hợp này được xác định là QRTD.
Điều 11 trong Luật Cơ hội Việc làm Bình đẳng của Nhật Bản nghiêm cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính và yêu cầu người sử dụng lao động ở Nhật Bản “thiết lập các biện pháp cần thiết về mặt quản lý để đưa ra lời khuyên cho người lao động và đối phó với các vấn đề trong việc làm và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để người lao động mà họ sử dụng không phải chịu bất kỳ thiệt thòi nào về điều kiện làm việc của họ bởi những phản ứng của người lao động đối với lời nói hoặc hành vi tình dục…. ” Điều 11 đặt ra nghĩa vụ khẳng định đối với người sử dụng lao động ở Nhật Bản trong việc ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nguyên tắc Việc làm Bình đẳng đã hướng dẫn về các bước mà người sử dụng lao động có thể thực hiện để đáp ứng nghĩa vụ cung cấp một nơi làm việc không có quấy rối tình dục: (i) thông báo chính sách của công ty về chống quấy rối tình dục (ví dụ: bằng cách nêu chi tiết các chính sách đó trong quy tắc làm việc của công ty) và thông báo và giáo dục nhân viên về các chính sách đó (ví dụ: thông qua bản tin công ty và / hoặc hội thảo); (ii) thiết lập các hệ thống nội bộ để giải quyết các khiếu nại về quấy rối tình dục (ví dụ: kích hoạt đường dây nóng hoặc thuê chuyên gia tư vấn bên ngoài nếu cần); và (iii) bắt đầu hành động ngay lập tức khi biết có sự xuất hiện của quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Điều 21 của Luật về cơ hội việc làm bình đẳng quy định người quản lý công ty có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp phòng ngừa QRTD và Bộ Y tế. Lao động và Phúc lợi có trách nhiệm ban hành hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa QRTD ở nơi làm việc.
Như vậy, pháp luật Nhật Bản đã có quy định rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong phòng ngừa QRTD tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động được yêu cầu đưa ra các biện pháp ngăn chặn quấy rối tình dục, bao gồm cả nhiệm vụ làm rõ chính sách liên quan và thông báo và giáo dục nhân viên của họ về các chính sách đó. Hơn nữa, người sử dụng lao động phải thiết lập bàn tham vấn để trả lời các khiếu nại từ người lao động; tạo điều kiện cho một cuộc điều tra nhanh chóng và thích hợp có thể được thực hiện một cách hiệu quả khi biết các vụ quấy rối tình dục; thiết lập các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của cả người tố cáo và người bị buộc tội; và nghiêm cấm việc sa thải hoặc ngược đãi những công nhân tham vấn hoặc hợp tác với cuộc điều tra liên quan đến quấy rối tình dục. Các biện pháp bổ sung, được đưa ra vào tháng 6 năm 2020, buộc người sử dụng lao động cố gắng và hợp tác với các công ty khác (ví dụ: thông qua phỏng vấn và / hoặc điều tra) trong trường hợp một nhân viên của công ty đã quấy rối tình dục nhân viên của công ty kia, để tăng cường hiệu quả của các biện pháp tuyển dụng của công ty khác và ngăn chặn các vụ quấy rối tình dục tiềm ẩn bắt nguồn từ sự tương tác giữa công ty với nhân viên của họ[6].
- Pháp luật của Thái lan
Liên quan đến các quy định về QRTD ở nơi công cộng, Đạo luật Bảo vệ Lao động B.E. 2541 quy định: Cấm người sử dụng lao động, người phụ trách, người giám sát hoặc người kiểm tra công việc có hành vi lạm dụng tình dục, quấy rối hoặc gây phiền toái đối với nhân viên (Điều 16); Bất kỳ người nào vi phạm Mục 16 sẽ bị phạt tiền hai mươi nghìn baht (Điều 147). Ngoài ra, QRTD cũng được quy định là hành vi phạm tội trong Bộ Luật Hình sự. Điều 397 quy định: (i) Bất kỳ ai, thực hiện bất kỳ hành động nào với người khác, để làm phiền, bắt nạt, đe dọa, hoặc bằng bất kỳ cách nào để làm xấu hổ hoặc gây phiền toái, sẽ bị phạt tiền không quá năm nghìn baht. (ii) Nếu thực hiện những hành vi vi phạm theo quy định ở khoản (i). Phạm tội ở nơi công cộng hoặc thông qua bất kỳ hành vi lừa dối tình dục nào, sẽ bị phạt tù không quá một tháng hoặc phạt tiền không quá mười nghìn baht hoặc cả hai.[7]
Đạo luật Công vụ B.E. 2551 áp dụng cho các công chức. Điều 83 (8) quy định: Một công chức không được có hành vi lạm dụng tình dục hoặc quấy rối tình dục như được quy định trong các quy tắc của Văn phòng Ủy ban Công vụ.Theo Văn phòng Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia, các hành vi được xác định là QRTD bao gồm:
(1). Quấy rối bằng mắt: Nhìn chằm chằm vào cơ thể có mục đích gợi dục, nhìn vào dưới váy, nhìn chằm chằm vào ngực hoặc làm nạn nhân cảm thấy xấu hổ hoặc không thoải mái hoặc những người xung quanh cũng cảm thấy như vậy.
(2) Quấy rối bằng lời nói: a) Chỉ trích về hình dạng và các bộ phận nhạy cảm của cơ thể; b) Ép nạn nhân đến các nơi riêng tư mà không có sự đồng ý của nạn nhân để nói chuyện về tình dục; c) Tán tỉnh nạn nhân và nói về khiêu dâm
(3) Quấy rối bằng hành động: Đụng chạm vào cơ thể nạn nhân, kéo cô ấy ngồi lên đùi, hôn và ôm nạn nhân mà không được sự đồng ý, liếm môi
(4). Quấy rối khác:sử dụng hình ảnh gợi dục, đồ vật và tin nhắn tình dục, bao gồm cả hình ảnh khiêu dâm ở nơi làm việc, nhắn tin nhắn tin sex, hình ảnh sex, biểu tượng tình dục qua Line và Facebook.
5) Lam dụng tình dục (Quid pro quo): các hứa hẹn cung cấp các lợi ích cho tình dục để đổi lấy chức danh công việc, học bổng, tăng lương, gia hạn hợp đồng bằng cách yêu cầu quan hệ tình dục hoặc yêu cầu khác liên quan đến tình dục.
Như vậy, pháp luật của Thái Lan cũng đã quy định tương đối cụ thể về các hành vi QRTD ở nơi công cộng (chủ yếu là ở nơi làm việc) nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, pháp luật của Thái Lan cũng xác định Theo Đạo luật Bảo hộ Lao động B.E. 2541, quấy rối tình dục không được xảy ra giữa hai thành viên cùng giới. Những nạn nhân được bảo vệ bởi Đạo luật Bảo vệ Lao động B.E. 2541 chỉ là những người như sau: (1)Tất cả nhân viên nữ; và (2). Nhân viên trẻ (nhân viên nữ hoặc nhân viên nam có độ tuổi từ 15 đến không quá 18 tuổi. Ngược lại, luật liên quan đến các tội phạm tình dục (Điều 276 đến Điều 287 khoản 2 của Bộ luật hình sự phân chia tội tình dục quấy rối có thể xảy ra giữa hai thành viên cùng giới tính. Do đó, nhân viên nam cũng được bảo vệ theo luật hình sự.
[1]Safe spaces Act, No.11313, ngày 17/4/2019 https://www.officialgazette.gov.ph/downloads/2019/04apr/20190417-RA-11313-RRD.pdf, truy cập ngày 20/4/2020
[2] Safe Space Act, No 11313
[3] Safe Spaces Act, No 11313
[4] Safe Space Act, No 11313
[5] Safe Spaces Act, No 11313
[6] “Anti-Discrimination Laws in Japan,” L&E Global Knowledge Centre, October 14, 2020, https://knowledge.leglobal.org/anti-discrimination-laws-in-japan/.
[7] “Sexual Harassment In The Workplace: What Thai Companies Need To Know” (ILN Labor & Employment Group –Sexual Harassment in the Workplace, n.d.), https://www.jdsupra.com/legalnews/sexual-harassment-in-the-workplace-what-32375/.
Nguồn: Bài đăng trên tạp chí tòa án, số 4 năm 2021.