Thực trạng pháp luật về xử lý hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng ở Việt Nam

Vấn nạn quấy rối tình dục nơi công cộng ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Văn phòng luật sư Sài Gòn Trẻ chúng tôi xin trích dẫn bài viết của TS. Phan Thị Lan Hương - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội về vấn đề trên như dưới đây:
--------------------------------
Xử lý hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, có rất nhiều hành vi quấy rối tình dục (QRTD) xảy ra ở nơi công cộng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, hầu hết nạn nhân của các hành vi QRTD thường không lên tiếng tố cáo hành vi bởi rất nhiều lý do khác nhau. Có thể thấy, QRTD xảy ra ở khắp mọi nơi bao gồm trong trường học, nơi làm việc, trên đường phố, nhà ga, công viên, trên xe buýt, bến tàu, trong thang máy. Ví dụ, gần đây một nữ sinh đã bị một người đàn ông “cưỡng hôn” trong thang máy của một khu chung cư ở Hà Nội[1]. Quấy rối tình dục ở nơi công cộng đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể không nhìn thấy những hậu quả/thiệt hai ngay trước mắt nhưng có thể có những ảnh hưởng lâu dài, không thể nhìn thấy ngay được. QRTD có thể làm phụ nữ và trẻ em gái trở nên lo ngại khi phải đi ra ngoài hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng, do đó dẫn đến hạn chế về những quyền tự do đi lại, quyền học tập hay quyền làm việc của phụ nữ và trẻ em gái, và kết quả là QRTD có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. QRTD có thể gây ảnh hưởng cho nạn nhân như nạn nhận bị suy nhược, trầm cảm, đau đầu, mất ngủ, giảm hoặc tăng cân ngoài ý muốn, buồn nôn, rối loạn chức năng tình dục.[2]

QRTD là một biểu hiện nghiêm trọng của phân biệt đối xử về giới và vi phạm nhân quyền, đã được Công ước về Phân biệt đối xử (Việc làm và Nghề nghiệp) của ILO 1958 (Số 111) quy định và Theo Công ước số 190, khái niệm QRTD chưa được quy định riêng. mà chỉ được lồng ghép trong trong khái niệm về bạo lực trên cơ sở giới và quấy rối (Điều 1.1(b). Trong khuông khổ Công ước ILO số 111 và căn cứ vào Quan sát chung của các chuyên gia của ILO trong việc áp dụng Công ước và các Khuyến nghị (Chuyên gia của Ủy ban ILO), khái niệm QRTD bao gồm những yếu tố cơ bản sau: (1) quid pro quo hành vi (trao đổi), được thực hiện bằng hành động, bằng lời nói hoặc không bằng lời nói  (cử chí) có tính chất tình dục và các hành vi khác dựa trên tình dục ảnh hưởng đến phẩm giá của phụ nữ và nam giới, không được hoan nghênh, không hợp lý và gây khó chịu cho người nhận; và việc một người từ chối hoặc phục tùng hành vi đó được sử dụng một cách rõ ràng hoặc ẩn ý làm cơ sở cho một quyết định ảnh hưởng đến công việc của người đó; hoặc là (2) (môi trường làm việc thù địch); Hành vi tạo ra môi trường làm việc đáng sợ, thù địch hoặc làm nhục đối tượng.” Do đó, quấy rối tình dục có thể bao gồm một loạt các hành vi được thực hiện dưới dạng hành động, lời nói, cử chỉ có tính chất tình dục, chẳng hạn như nhận xét không mong muốn về tình dục, “trò đùa”, cho xem hình ảnh hoặc áp phích về phụ nữ, tiếp xúc cơ thể hoặc tấn công tình dục. QRTD có thể được thực hiện bởi các cá nhân khác nhau, bao gồm đồng nghiệp, người giám sát, cấp dưới và bên thứ ba. Dù biểu hiện dưới hình thức nào, quấy rối tình dục cũng dẫn đến một môi trường làm việc không an toàn và thù địch đối với người trải qua hành vi đó, cũng như đối với nhân chứng và đồng nghiệp. Hơn nữa, bản chất thường xuyên dai dẳng, “bình thường hóa” của quấy rối tình dục có thể có tác động nặng nề và dẫn đến đau khổ cá nhân lớn, tổn hại danh tiếng, mất nhân phẩm và lòng tự trọng của nạn nhân, và  bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đổ lỗi.  QRTD có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và chi phí kinh tế đáng kể, và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và nói chung là đến nguồn nhân lực lao động.[3]

Tuy nhiên, hành vi nào được xem là hành vi QRTD thì có sự khác biệt rõ rệt giữa các quốc gia phụ thuộc vào môi trường văn hóa – xã hội. Quan niệm về QRTD ở các nước trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng bởi định kiến giới, ví dụ như “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” nghĩa là nam giới có quyền tán tỉnh đối với phụ nữ là quan niệm đã tồn tại ở Việt Nam.

Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng QRTD có một số đặc điểm như sau:

  • QRTD là một dạng của bạo lực tình dục. QRTD được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như hành động (đụng chạm, sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm của cơ thể) hành động phô dâm; gửi hình ảnh, phim, trang web có tính chất gợi dục; thể hiện dưới dạng lời nói như những bình luận, kể những chuyện đùa có tính chất gợi dục; hoặc là những cử chỉ, thái độ như nhìn chằm chằm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Việc xác định thế nào là hành vi QRTD còn phụ thuộc vào yếu tố văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia;
  • QRTD phải thể hiện rõ ở mục đích của người thực hiện hành vi đó là vì mục đích tình dục và phải trái với ý muốn của đối tượng đích.
  • QRTD có thể không để lại những hậu quả nghiêm trọng về thể chất như bạo lực tình dục do đó nhiều khi không thể xác định các thiệt hại thực tế do hành vi này gây ra (cấu thành mang tính hình thức).
  • QRTD có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, với bất kỳ đối tượng nào và QRTD xảy ra phổ biến nhất trong môi trường làm việc.

Có thể đưa ra định nghĩa về QRTD như sau: “QRTD là hành vi do cá nhân thực hiện dưới dạng hành động, lời nói, cử chỉ nhằm mục đích tình dục và trái với mong muốn của đối tượng đích.“ Như vậy, có thể thấy QRTD trên đường phố và không gian công cộng bao gồm các hành vi: huýt sáo, những lời mời không mong muốn, những lời nói xấu, xuyên tạc, đồng bóng và phân biệt giới tính, những bình luận hay cử chỉ về ngoại hình của một người, những yêu cầu về thông tin cá nhân của người không liên quan, các bình luận hay gợi ý về tình dục, thủ dâm công khai, hoặc phô bầy các bộ phận riêng tư, sờ mó, hoặc bất kỳ hành vi nào dù bằng lời nói hay hành động trái với ý muốn và đã đe dọa cảm giác an toàn của một người ở không gian công cộng và được thực hiện ở nơi công cộng như trên các ngõ nhỏ, đường phố, vỉa hè, công viên. Hành vi QRTD có nguy cơ gia tăng kể cả trong môi trường không gian mạng. Do dó, cần phải quy định cụ thể và có các biện pháp xử lý thích đáng đối với các hành vi QRTD ở nơi công cộng.

  1. Thực trạng pháp luật về xử lý hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng ở Việt Nam

Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, chống lại các hình thức phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới đã được Nhà nước ta cam kết và thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể là Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật có quy định về phòng ngừa và ứng phó các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. QRTD đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, đã được cụ thể hóa trong một số văn bản pháp luật quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới (Điều 26). Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là hai văn bản pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến phòng, chống các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Luật Bình đẳng giới quy định: “Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.” (Điều 4). Tuy nhiên, Luật này chưa có quy định cụ thể về bảo đảm quyền của phụ nữ trước mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ, bảo đảm quyền được tự do tiếp cận và sử dụng nơi công cộng theo như tinh thần của Công ước CEDAW[4]. Đối với việc phòng ngừa và ứng phó với các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã có quy định cụ thể về các hình thức bạo lực gia đình. “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.” (Điều 1, khoản 2). Có thể thấy, phạm vi điều chỉnh của Luật này mới chỉ dừng lại ở các hình thức bạo lực gia đình mà chưa bao gồm các hình thức QRTD đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng. Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định: “Nghiêm cấm hành vi ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (Điều 8, khoản 3)[5]. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về khái niệm QRTD cũng như các chế tài xử lý.

Liên quan đến với các biện pháp chế tài xử lý đối với các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện khung pháp luật quy định về chế tài hình sự, dân sự và hành chính để áp dụng đối với các cá nhân thực hiện hành vi bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm:

(1) Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), đã có những quy định về các loại tội phạm có liên quan đến bạo lực tình dục (BLTD) đối với phụ nữ, ví dụ như tội hiếp dâm (Điều 141); Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); Tội cưỡng dâm (Điều 143); Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Đối với các hình thức bạo lực về thể chất thì có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích (Điều 134). Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhiều hình thức BLTD/QRTD như hiếp dâm trong quan hệ hôn nhân, hay tội đeo bám vẫn chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Đặc biệt là, Bộ Luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: “ Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” . Quy định này sẽ không áp dụng được với tất cả các hành vi QRTD xảy ra đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên. Do có sự khác biệt về quan điểm xác định hành vi phạm tội hình sự và vi phạm hành chính, nhà nước ta hiện nay chỉ quan niệm QRTD là hành vi hành chính (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).

(2) Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. (Điều 34, khoản 1). QRTD/BLTD là hành vi gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của phụ nữ, trẻ em gái, do đó họ có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Điều 592 Bộ luật Dân sự.

(3) Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) và Nghị định số 167/2013 ngày 12/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đinh là căn cứ pháp lý để xử lý hành vi QRTD tại nơi công cộng. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ quy định một số các biện pháp chế tài hành chính áp dụng đối với các hành vi bạo lực trong lĩnh vực gia đình (Điều 49), mà chưa có những quy định áp dụng đối với các hành vi QRTD ở nơi công cộng. Hành vi QRTD mới chỉ được xử lý chung đó là “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” và bị áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (Điều 5.1 Nghị định số 167/2013). Ví dụ, trường hợp nam thanh niên đã có hành vi “tự sướng trên xe buýt” bị phạt 200.000 đồng. Như vậy, địa điểm công cộng cần được hiểu theo một khái niệm rộng bao gồm các công trình công cộng, đường phố và cả các phương tiện giao thông công cộng[6]. Hiện nay, Nhà nước ta mới chỉ quy định cụ thể về nghiêm cấm các hành vi QRTD ở nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, còn các địa điểm công cộng khác cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể.

Như vậy, QRTD có thể được thực hiện bởi nhiều hành vi khác nhau thông qua lời nói, cử chỉ, hành động và xảy ra ở khắp mọi nơi, kể cả trên không gian mạng. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định đó là hành vi QRTD ở nơi công cộng cần phải có những quy định cụ thể, chi tiết về những hành vi này. Ngoài ra, cũng có những thách thức đặt ra trong quá trình xử lý, ví dụ như về thẩm quyền xử lý, cách xác định hành vi (có cần chứng minh, hay chứng cứ không). Bởi vì trên thực tế, có rất nhiều trường hợp nạn nhân không có khả năng cung cấp hoặc thu thập chứng cứ. QRTD là một trong các hình thức bạo lực trên cơ sở giới và Nhà nước ta cần xây dựng một khung pháp lý đầy đủ và toàn diện theo yêu cầu của Tuyên bố chung về xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ (CEDAW-1993): “Ban hành những chế tài hình sự, dân sự lao động và hành chính trong luật pháp quốc gia nhằm trừng trị và xử lí những việc làm sai phạm với những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực cần được tạo điều kiện tiếp cận các cơ chế tư pháp và, theo quy định của pháp luật, những biện pháp giải quyết công bằng và hiệu quả đối với những thiệt hại mà nó phải hứng chịu; các quốc gia cũng cần thông tin cho phụ nữ về những quyền của họ nhằm tìm kiếm sự bồi thường thông qua những cơ chế như vậy”.

[1] “Người đàn ông sàm sỡ nữ sinh trong thang máy bị phạt 200.000 Đồng – VnExpress,” accessed April 6, 2020, https://vnexpress.net/phap-luat/nguoi-dan-ong-sam-so-nu-sinh-trong-thang-may-bi-phat-200-000-dong-3896442.html.

[2] Anita Riecher-Rössler and Claudia García-Moreno, Violence Against Women and Mental Health (Karger Medical and Scientific Publishers, 2013), viii.

[3] “Sexual Harassment in the World of Work,” truy cập ngày 28/2/ 2021, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—dgreports/—gender/documents/briefingnote/wcms_738115.pdf.

[4]Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, 1979. Việt Nam ký tham gia Công ước vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981.

[5] Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tại Điều 8, khoản 3: Quy định cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

[6] Nam thanh niên ‘tự sướng’ trên xe buýt bị phạt 200 nghìn đồng, https://www.tienphong.vn/phap-luat/nam-thanh-nien-tu-suong-tren-xe-buyt-bi-phat-200-nghin-dong-1433828.tpo, truy cập ngày 20/4/2019.

Tác giả: TS. Phan Thị Lan Hương (Bài đăng Tạp chí Tòa án nhân dân, số 8 kỳ 2 tháng 4 năm 2021)

chuyên mục:

Cùng chuyên mục

Tin tức & sự kiện