Bài viết dưới đây của chúng tôi khi phỏng vấn Luật sư Ngô Trương Bảo – Luật sư giàu kinh nghiệm của Văn phòng luật sư Sài Gòn trẻ, đã từng tham gia các hoạt động tranh tụng tại các tòa án hơn 10 năm nay.
———–
PV: Thưa luật sư, luật sư có thể giải thích rõ hơn về hoạt động tranh tụng tại tòa án?
Luật sư Ngô Trương Bảo:
Về hoạt động tranh tụng tại tòa án, theo qui định tại Điều 22 Luật luật sư 2012 thì phạm vi hành nghề của Luật sư được xác định gồm: Tham gia tố tụng trong vụ án Hình sự; Tham gia tố tụng trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; Tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng.
Như vậy, Luật sư có quyền hành nghề ở tất cả các phạm vi nêu trên. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm hành nghề theo hướng chuyên môn hóa, Luật sư căn cứ theo năng lực và kỹ năng hành nghề của bản thân có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đa dạng của khách hàng sẽ lựa chọn hành nghề chuyên ở lĩnh vực tư vấn hoặc ở lĩnh vực Tham gia tố tụng (Tranh tụng) hay còn gọi là Luật sư tư vấn và Luật sư tranh tụng.
Thuật ngữ pháp lý “tranh tụng” hiện nay đã được ghi nhận tại Điều 24 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 qui định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Theo đó, Tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định. Như vậy, có thể thấy, pháp luật Việt Nam đã khẳng định cải cách theo xu hướng của mô hình tố tụng tranh tụng. Xu hướng này là hoàn toàn phù hợp – đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung và tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng. Bởi lẽ, việc tìm ra sự thật, giải quyết tranh chấp dân sự bảo vệ quyền lợi của các bên đương sự hơn ai hết, chính các bên/Luật sư của các bên là người thấu hiểu để xử lý và giải quyết các tranh chấp này. Tòa án cũng như Trọng tài cần được xem là bên thứ ba trung gian giúp các bên giải quyết tranh chấp của chính họ.
PV: Thưa luật sư, theo ông thì như thế nào được đánh giá là một luật sư giỏi tranh tụng?
Luật sư Ngô Trương Bảo:
Dựa vào kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng, luật sư giỏi tranh tụng phải là người sẽ tham gia vào quá trình tranh tụng bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và kết thúc khi có bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án/Trọng tài. Luật sư tranh tụng giỏi cần thiết phải hội đủ các điều kiện cơ bản như sau:
– Có sự hiểu biết sâu sắc về các qui định của pháp luật tố tụng: Ngoài việc được đào tạo chuyên sâu, tự thân nghiên cứu, cập nhật kiến thức, điều này sẽ được tích lũy qua quá trình thực tiễn va chạm với số lượng lớn các vụ án mà Luật sư đó đã từng tham gia giải quyết. Đây là ưu điểm của những Luật sư đã từng là Thẩm phán sau đó chuyển sang hành nghề Luật sư tranh tụng.
– Có kiến thức chuyên sâu về một hoặc một số lĩnh vực nhất định: Sự am hiểu chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực pháp luật là điều khó thực hiện. Vì thế, việc lựa chọn một hoặc một số lĩnh vực pháp luật nhất định để nghiên cứu và thực hành chuyên sâu là điều mà một Luật sư tranh tụng giỏi hay làm.
– Có kỹ năng tranh tụng: Kỹ năng tranh tụng có ý nghĩa rất quan trọng ở tất cả các giai đoạn của việc giải quyết vụ án. Các kỹ năng này bao gồm: (1) Kỹ năng giao tiếp hiệu quả ở ngôn ngữ viết lẫn ngôn ngữ nói, lời trình bày phải rõ ràng, dùng từ chính xác, trong sáng dễ hiểu giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng hiểu rõ ý kiến, quan điểm nhằm bảo vệc quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng. (2) Kỹ năng tranh luận sắc bén: Là việc vận dụng các qui định của pháp luật và tình tiết sự việc tạo thành hoạt động sử dụng ngôn từ pháp lý một cách logic, đưa ra các luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ có căn cứ, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. (3) Kỹ năng nghiên cứu và phân tích sâu sắc: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, quy định pháp luật là vô cùng quan trọng khi tham gia bảo vệ khách hàng. Luật sư cần có khả năng kiên nhẫn đọc, một khối lượng lớn thông tin, tiếp thu các sự kiện và số liệu. Từ đó phân tích tài liệu và số liệu, tư duy logic, nhìn nhận đa chiều các thông tin để kết luận bản chất vụ việc. (4) Kỹ năng đàm phán, thuyết phục: Có ý nghĩa quan trọng khi tham gia phiên hòa giải là thủ tục bắt buộc trước khi vụ án được xét xử. (5) Kỹ năng mềm (Kỹ năng tâm lý – xã hội): Giúp cho Luật sư tự tin và giữ được bình tĩnh khi có tình huống bất lợi phát sinh, kỹ năng xã hội còn giúp Luật sư xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, người tiến hành tố tụng giúp cho việc giải quyết vụ án được thuận lợi.
– Có kiến thức ở một số lĩnh vực khác (ngoài kiến thức Luật), đặc biệt là kiến thức về kinh tế: Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với các quan hệ tranh chấp về kinh doanh thương mại, việc có kiến thức cơ bản về lĩnh vực hoạt động của khách hàng giúp cho Luật sư hiểu biết sâu sắc và toàn diện những vấn đề pháp lý mà khách hàng đang phải đối diện, từ đó đưa ra những giải pháp pháp lý phù hợp cho khách hàng.
– Có năng lực về ngoại ngữ: Với tính cạnh tranh cao trong môi trường hành nghề Luật hiện nay, ngoại ngữ là một lợi thế. Với khả năng này Luật sư tranh tụng sẽ giúp cho khách hàng có niềm tin nhiều hơn khi được trao đổi thông tin bằng ngôn ngữ mà họ đang sử dụng. Giúp cho Luật sư có năng lực nghiên cứu, học tập nâng cao nghiệp vụ từ nguồn tài liệu của các quốc gia khác. Khi tham gia vào các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Luật sư có điều kiện để thu thập thông tin đầy đủ, hiểu rõ bản chất tranh chấp từ đó có giải pháp hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư. Chúc ông sức khỏe, chúc Văn phòng luật sư Sài Gòn Trẻ trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín của mọi khách hàng
————